GÃY XƯƠNG SAU ĐỘT QUỴ: MỘT BIẾN CHỨNG NẶNG NỀ KHÔNG THỂ BỎ QUA – Part 1: Mức độ nghiêm trọng và các yếu tố nguy cơ dẫn đến gãy xương ở bệnh nhân đột quỵ

Gãy xương là 1 trong những biến chứng đặc biệt nghiêm trọng ở bệnh nhân đột quỵ từ đó làm giảm khả năng vận động gây cản trở quá trình phục hồi chức năng, thời gian điều trị gãy xương kéo dài do quá trình liền xương sau gãy là rất lâu so với người trẻ dẫn đến nhiều biến chứng như: teo cơ, cứng khớp, loét tì đè, viêm phổi, viêm đường tiết niệu … do đó kéo dài tình trạng tàn tật , tăng chi phí điều trị thậm chí còn làm tăng nguy cơ tử vong cho bệnh nhân. Các nghiên cứu chỉ ra rằng nguy cơ gãy xương của nhóm bệnh nhân đột quỵ cao gấp bốn lần so với nhóm không đột quỵ. Gãy xương có thể xảy ra ở nhiều vị trí nhưng gãy xương vùng khớp háng là 1 loại gãy xương phổ biến hơn cả với tỷ lệ 1,5–4 lần thậm chí >7 lần so với dân số nói chung và thường xảy ra ở chân bên liệt làm giảm đáng kể tỷ lệ sống sót và khả năng vận động độc lập so với những người chưa từng bị đột quỵ trước đó.

Chính vì thế việc sàng lọc và dự phòng gãy xương ở bệnh nhân đột quỵ là rất quan trọng và cần thiết. Tuy nhiên với những đối tượng bệnh nhân này thường mới chỉ được quan tâm đến vấn đề điều trị bệnh và phục hồi chức năng, vấn đề can thiệp sớm để dự phòng gãy xương sau đột quỵ vẫn chưa được chú trọng và quan tâm đúng mức.

Hình1: Hình ảnh XQ gãy liên mấu chuyển xương đùi phải và gãy đầu dưới xương quay phải ở bệnh nhân sau đột quỵ

Các yếu tố nguy cơ gãy xương sau đột quỵ

  1. Bệnh nhân đột quỵ có nguy cơ loãng xương cao

Loãng xương là yếu tố nguy cơ gây gãy xương sau đột quỵ. Tình trạng mất xương tiến triển nhanh chóng trong giai đoạn cấp tính của đột quỵ, với những thay đổi rõ rệt nhất được thấy trong vài tháng đầu tiên, mật độ xương giảm khoảng 12%–17% ở các chi bị liệt sau 1 năm đột quỵ. Các yếu tố có thể được coi là nguyên nhân gây ra loãng xương:

  • Yếu tố vận động: Bệnh nhân đột quỵ thường gặp tình trạng liệt nửa người do đó trọng lượng của cơ thể không phân bố đều lên 2 chân, trọng lượng sẽ dồn nhiều sang bên chân lành, bên chân liệt chỉ chịu trọng lượng cơ thể từ 25 đến 43% ở tư thế đứng, dẫn đến tăng tình trạng mất xương ở bên liệt. Nghiên cứu cho thấy bệnh nhân đột quỵ phải ngồi xe lăn có mức độ mất xương nhiều hơn gấp 4 lần so với nhóm bệnh nhân vẫn có thể đi lại được.
  • Yếu tố nội tiết: Vitamin D đóng vai trò quan trọng trong quá trình hấp thụ canxi vào xương và duy trì xương chắc khỏe. Vitamin D được chuyển hóa thành dạng hoạt động (calciferol) khi cơ thể được tiếp xúc trực tiếp với ánh sáng mặt trời. Bệnh nhân đột quỵ thường bị hạn chế khả năng tham gia các hoạt động ngoài trời dẫn đến tình trạng thiếu hụt vitamin D và tăng nguy cơ loãng xương.
  • Yếu tố dinh dưỡng: Bệnh nhân đột quỵ có nguy cơ cao bị suy dinh dưỡng( SDD) do nhiều nguyên nhân khác nhau. Ăn uống kém do rối loạn chức năng nuốt, suy giảm nhận thức, tâm lý chán nản và tình trạng yếu liệt gây cản trở việc ăn uống điều này dẫn đến giảm lượng Canxi và vitamin D hấp thu từ thức ăn, gây tăng nguy cơ loãng xương ở nhóm bệnh nhân này. Ngoài ra, SDD thường dẫn đến thiếu vitamin B9 và B12 dẫn đến chứng tăng nồng độ homocysteine ​​máu thứ phát. Nồng độ này tăng cao có liên quan đến tăng nguy cơ gãy xương.
  • Các yếu tố về thuốc: Bệnh nhân đột quỵ phải sử dụng nhiều loại thuốc khác nhau có ảnh hưởng đến quá trình chuyển hóa vitamin D và gây thiếu hụt vitamin D như: thuốc chống trầm cảm, đặc biệt là thuốc ức chế tái hấp thu serotonin có chọn lọc (SSRI), thuốc chống đông heparin, thuốc chống động kinh, corticoid…)

2. Bệnh nhân đột quỵ có nguy cơ té ngã cao

Có tới 65% bệnh nhân đột quỵ bị té ngã trong thời gian đang điều trị tại bệnh viện và 73% bị té ngã trong 6 tháng đầu sau khi xuất viện về nhà. Té ngã thường xảy ra trong quá trình khi bệnh nhân thay đổi tư thế như từ nằm sang ngồi, từ ngồi sang đứng. Tình trạng gãy xương hay gặp ở phía bên liệt nửa người, nơi có mật độ xương thấp hơn. Té ngã có thể không dẫn đến gãy xương nhưng nỗi sợ ngã lần nữa có thể hạn chế đáng kể các hoạt động trong cuộc sống hàng ngày, làm trầm trọng thêm tình trạng suy giảm chức năng thể chất gây ra yếu cơ, cứng khớp.

Những bất thường ảnh hưởng đến chức năng thăng bằng gây ra té ngã bao gồm:

  • Tình trạng yếu các nhóm cơ chi dưới và thân mình bên liệt: đây là nguyên nhân chính gây mất hoặc giảm chức năng vận động, chức năng thăng bằng khi đứng và khi di chuyển ở bệnh nhân đột quỵ. Mặt khác cánh tay bên liệt cũng khó khăn để có thể chống đỡ khi ngã.
  • Rối loạn về cảm giác: Rối loạn cảm giác sâu ( cảm giác bản thể, tư thế, vị thế…) và rối loạn cảm giác nông ( xúc giác, đau, đè ép….) có thể gặp ở bệnh nhân tai biến, đặc biệt là ở bệnh nhân nặng, tổn thương lan tỏa. Khả năng vận động của các chi cũng phụ thuộc vào cảm giác, bệnh nhân sẽ không thể cảm nhận được chân của mình đang đặt ở đâu, ngay cả khi bàn chân đã đặt an toàn trên mặt sàn thì cũng rất khó để biết cách di chuyển.
  • Hạn chế vận động khớp: do co cứng, co rút cơ, đặc biệt là co rút gấp mặt lòng bàn chân , khớp gối, khớp hang
  • Chóng mặt : nếu đột quỵ xảy ra ở tiểu não hoặc thân não- những vùng kiểm soát sự thăng bằng, bệnh nhân có thể sẽ bị chóng mặt, bệnh nhân có cảm giác bị dịch chuyển, mọi vật xung quanh xoay tròn, hoặc chính bản thân bệnh nhân xoay tròn so với những vật xung quanh.
  • Hội chứng lãng quên nửa người: những tổn thương cấp tính ở thùy đỉnh của bán cầu không ưu thế có thể gây mất chú ý nửa người phía bên đối diện (thường là bên trái) dẫn đến giảm nhận thức về phần cơ thể đó, khi bệnh nhân di chuyển nhưng lại quên cử động chân yếu của mình, gây mất thăng bằng. Họ có thể va vào hoặc vấp phải những vật thể mà họ không thể nhận thức được gây ngã.
  • Các vấn đề về thị lực: thường gặp khá phổ biến sau đột quỵ có thể là nhìn đôi, nhìn mờ, mất thị trường, khô mắt, nhạy cảm với ánh sáng …những vấn đề đó làm hạn chế tầm nhìn, quan sát của bệnh nhân.
  • Rối loạn về khả năng tập trung, định hướng: TBMMN ảnh hưởng đến quá trình xử lý thông tin gây giảm khả năng nhận biết và phối hợp các thông tin cảm giác, giảm khả năng định hướng và vận động của cơ thể. Ngoài ra còn ảnh hưởng đến trung tâm lập kế hoạch vận động, độ tập trung và trí nhớ, làm giảm sự phán đoán của bệnh nhân.

Tài liệu tham khảo

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Lên đầu trang