Kĩ thuật Masquelet (kĩ thuật màng cảm ứng) điều trị khuyết xương lớn- Part 1: Định nghĩa, lịch sử và phát triển

Điều trị các tổn thương khuyết xương cho đến hiện nay vẫn còn là một thách thức lớn. Đã có nhiều phương pháp được sử dụng để điều trị tổn thương khuyết xương với mục tiêu tái tạo lại xương bị mất và phục hồi chức năng chi thể. Tuy nhiên rất khó để đạt được mục tiêu này đặc biệt trong các trường hợp khuyết xương lớn, khuyết xương liên quan đến nhiễm trùng hoặc tổn thương phần mềm xung quanh. Một số phương pháp được sử dụng phổ biến trong điều trị khuyết xương lớn như ghép xương mác có cuống mạch, phương pháp vận chuyển xương sử dụng khung cố định ngoài Ilizarov…1,2 Ghép xương tự thân đơn thuần không được khuyến nghị nếu kích thước khuyết xương lớn hơn 5cm vì nguy cơ tiêu xương ghép mặc dù che phủ phần mềm tốt 3.

Giáo sư Alain Charles Masquelet sinh ngày 8/3/1948, ông là một bác sĩ phẫu thuật chỉnh hình người Pháp và là thành viên Hội chỉnh hình Pháp, Viện Hàn lâm phẫu thuật Pháp, Hội Y khoa Hoàng gia (Anh). Ông đã tốt nghiệp Bác sĩ nội trú Bệnh viện Bichat, Paris năm 1978; tốt nghiệp Bác sĩ nội trú Bệnh viện Trousseau, Paris năm 1980, tốt nghiệp Bác sĩ nội trú Bệnh viện Nhân dân số 9 Thượng Hải năm 1982. Ông là Bác sĩ phẫu thuật chỉnh hình Assistance Publique, Bệnh viện Paris, 1987-1990; trưởng khoa, Bệnh viện Paris, từ năm 1995 và đồng thời là giáo sư y khoa, nghiên cứu viên, Đại học Paris, từ năm 1990 (hình 1).

Hình 1: Giáo sư Alain Charles Masquelet

Tác giả Masquelet đã báo cáo một kĩ thuật kết hợp giữa màng cảm ứng và ghép xương xốp tự thân 4. Lần đầu tiên ông mô tả kĩ thuật này vào năm 1986 để điều trị một tổn thương khuyết xương có chiều dài tới 25cm mà không cần ghép xương có cuống mạch 5. Nhìn chung, kĩ thuật này cho phép tái tạo một tổn thương khuyết xương rộng ngay cả khi tổn thương khuyết xương do hậu quả của nhiễm trùng, kĩ thuật này giúp bảo vệ tránh tiêu xương ghép và giúp tái tưới máu cho mảnh ghép 6 (hình 1)

Hình 1: Hình ảnh minh họa các bước của kĩ thuật Masquelet theo tác giả Tarchala và cộng sự (2018) 7. Giai đoạn 1: (a): Bộc lộ tổn thương khuyết xương, xương và phần mềm hoại tử được cắt bỏ; (b): Xi măng PMMA được sử dụng để lấp đầy khoảng khuyết xương đảm bảo xi măng bao phủ các đầu xương; (c): Khoảng trống khuyết xương được duy trì bởi xi măng trong khi phần mềm trong quá trình liền lại; (d): Màng cảm ứng hình thành xung quanh spacer xi măng. Giai đoạn 2: (e): Màng cảm ứng được rạch và lấy bỏ spacer xi măng, khoảng trống được lấp đầy bằng xương xốp tự thân, màng cảm ứng được khâu lại; (f): quá trình liền xương diễn ra. 

Vào những năm 1980 của thế kỉ trước, Masquelet đã điều trị các bệnh nhân khớp giả nhiễm trùng bằng cách phẫu thuật cắt lọc, lấy bỏ xương chết, chuyển vạt cơ che phủ sau đó ông đã đặt vào vị trí khuyết xương spacer xi măng sinh học ( Poly Methylmethacrylate) với mục đích để bảo tồn chiều dài chi và giữ vị trí để ghép xương sau này. Sau khi không còn dấu hiệu của nhiễm trùng, ông đã loại bỏ spacer xi măng sinh học, ghép xương và cố định xương vững chắc. Phương pháp phẫu thuật 2 giai đoạn này cho kết quả liền xương độc lập và không liên quan với kích thước của tổn thương khuyết xương 5,8.

Tại Hội nghị phẫu thuật vi phẫu Châu Âu tại Rome năm 1992, các tác giả là phẫu thuật viên người Đức đã báo cáo phẫu thuật 2 giai đoạn tương tự như của Masquelet cho kết quả kém trong điều trị khuyết xương, điều này có thể do các tác giả này đã không bảo tồn màng cảm ứng xung quanh spacer xi măng sinh học 9. Vì vậy quan điểm trở nên rõ ràng rằng điểm chính tạo nên thành công của kĩ thuật Masquelet là bảo tồn màng cảm ứng xung quanh xi măng sinh học trong quy trình phẫu thuật ở giai đoạn 2 của kĩ thuật (hình 1). Việc bảo tồn màng cảm ứng này dựa trên thực tế rằng có thể giúp tránh hiện tượng tiêu xương ghép và tăng khả năng liền xương sau ghép xương tự thân 10.

Cùng trong khoảng thời gian đó, các phẫu thuật viên của Hải quân Hoa Kỳ đã báo cáo một loạt các bệnh nhân gãy hở xương chày với tổn thương khuyết xương từ 6 đến 14 cm được điều trị thành công bằng phẫu thuật sử dụng chuỗi hạt xi măng kháng sinh 11. Các tác giả này đã giả thuyết cho rằng thành công của kĩ thuật là do các chuỗi hạt xi măng kháng sinh có tác dụng làm tăng nồng độ kháng sinh tại chỗ đồng thời cũng có tác dụng như spacer xi măng sinh học giúp giữ vị trí để ghép xương sau này. Tuy nhiên các tác giả này đã không đề cập đến việc bảo tồn màng cảm ứng mặt khác cũng không đề cập đến việc cắt bỏ lớp màng này11.

Có 2 nghiên cứu trên mô hình động vật đã xác nhận vai trò sinh học của màng cảm ứng trong điều trị khuyết xương lớn sử dụng xi măng sinh học. Nghiên cứu thứ nhất được thực hiện trên mô hình cừu năm 2009 12. Nghiên cứu này đã chứng minh được rằng, những trường hợp ghép xương xốp tự thân không có màng cảm ứng có mức độ tiêu xương nhiều hơn các trường hợp có màng cảm ứng. Một nghiên cứu khác đã chứng minh được rằng, cấu trúc mô học của màng cảm ứng giống như màng hoạt dịch với nhiều mạch máu và có khả năng sản xuất nhiều yếu tố tạo xương 13.

Hình 2: Hình ảnh trong mổ thì 2 của tổn thương khuyết xương 1/3 giữa xương cánh tay phải được điều trị bằng kĩ thuật Masquelet. 6 tuần sau phẫu thuật đặt xi măng, màng cảm ứng được hình thành 10

Tài liệu tham khảo

1.             Pederson WC, Person DW. Long bone reconstruction with vascularized bone grafts. Orthop Clin North Am. 2007;38(1):23-35, v. doi:10.1016/j.ocl.2006.10.006

2.             Aronson J. Limb-lengthening, skeletal reconstruction, and bone transport with the Ilizarov method. J Bone Joint Surg Am. 1997;79(8):1243-1258. doi:10.2106/00004623-199708000-00019

3.             Weiland AJ, Phillips TW, Randolph MA. Bone grafts: a radiologic, histologic, and biomechanical model comparing autografts, allografts, and free vascularized bone grafts. Plast Reconstr Surg. 1984;74(3):368-379.

4.             Masquelet AC, Begue T. The concept of induced membrane for reconstruction of long bone defects. Orthop Clin North Am. 2010;41(1):27-37; table of contents. doi:10.1016/j.ocl.2009.07.011

5.             Masquelet AC, Fitoussi F, Begue T, Muller GP. [Reconstruction of the long bones by the induced membrane and spongy autograft]. Ann Chir Plast Esthet. 2000;45(3):346-353.

6.             Pelissier P, Martin D, Baudet J, Lepreux S, Masquelet AC. Behaviour of cancellous bone graft placed in induced membranes. Br J Plast Surg. 2002;55(7):596-598. doi:10.1054/bjps.2002.3936

7.             Tarchala M, Engel V, Barralet J, Harvey EJ. A pilot study: Alternative biomaterials in critical sized bone defect treatment. Injury. 2018;49(3):523-531. doi:10.1016/j.injury.2017.11.007

8.             Pelissier P, Bollecker V, Martin D, Baudet J. [Foot reconstruction with the “bi-Masquelet” procedure]. Ann Chir Plast Esthet. 2002;47(4):304-307. doi:10.1016/s0294-1260(02)00123-1

9.             European Federation of Societies for Microsurgery. Past EFSM meetings. In: ; 2019.

10.          Masquelet A, Kanakaris NK, Obert L, Stafford P, Giannoudis PV. Bone Repair Using the Masquelet Technique. J Bone Joint Surg Am. 2019;101(11):1024-1036. doi:10.2106/JBJS.18.00842

11.          Christian EP, Bosse MJ, Robb G. Reconstruction of large diaphyseal defects, without free fibular transfer, in Grade-IIIB tibial fractures. J Bone Joint Surg Am. 1989;71(7):994-1004.

12.          Klaue K, Knothe U, Anton C, et al. Bone regeneration in long-bone defects: tissue compartmentalisation? In vivo study on bone defects in sheep. Injury. 2009;40 Suppl 4:S95-102. doi:10.1016/j.injury.2009.10.043

13.          Pelissier P, Masquelet AC, Bareille R, Pelissier SM, Amedee J. Induced membranes secrete growth factors including vascular and osteoinductive factors and could stimulate bone regeneration. J Orthop Res. 2004;22(1):73-79. doi:10.1016/S0736-0266(03)00165-7

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Lên đầu trang